Tin tức

Xây dựng chiến lược tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Xây dựng chiến lược tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang tạo ra những bước ngoặt phát triển cho các cá nhân, doanh nghiệp và các quốc gia trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp, các chương trình hành động mạnh mẽ mới có thể bắt kịp làn sóng của cuộc CMCN 4.0.
 


Chế tạo cánh tay rô-bốt tự động hóa tại Công ty Năng lực Việt (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG ANH

 

Theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng tích hợp chặt chẽ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của in-tơ-nét kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Do hiện trạng trình độ công nghệ, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia khác nhau, cho nên hướng phát triển, ứng xử của mỗi quốc gia với cuộc CMCN 4.0 cũng khác nhau.

Tại Việt Nam, thuật ngữ cuộc CMCN 4.0 gần đây được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thực tế còn nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm, thiếu đầu tư để có thể bắt kịp làn sóng mới này. Số liệu khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho thấy, tại 275 cơ quan, đơn vị được khảo sát chỉ có 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6,1% chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của CMCN 4.0. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn có suy nghĩ là không thể bắt kịp được cuộc CMCN 4.0, bởi vậy không quan tâm các mô hình kinh doanh kiểu mới. Cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, do đó đã mang đến cho Việt Nam nhiều thách thức, cũng như nguy cơ bị tụt hậu xa hơn do lao động chi phí thấp không còn là lợi thế cạnh tranh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, Việt Nam đã bỏ lỡ ba cuộc CMCN trước đây nhưng không nên bỏ lỡ cuộc CMCN 4.0. Nếu Việt Nam không đón được làn sóng của cuộc CMCN 4.0 có thể làm cho nhiều ngành, nghề biến mất, nhiều lao động thất nghiệp… Đây là cuộc cách mạng tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.

Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó đã giao cho mỗi bộ, ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, thực hiện các công việc cũng như đưa ra các sản phẩm chủ lực của ngành, những chính sách ứng phó với CMCN 4.0. Bộ KH&CN cho rằng, nếu mỗi bộ, ngành tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức trong cuộc CMCN 4.0, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến và sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu không thì khoảng cách với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trên cơ sở chiến lược này, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng chiến lược cho mình và từ đó tung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, có lợi thế tốt nhất, có tác động to lớn và mạnh nhất. Nhất là trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, cần có các chương trình hành động căn bản, cụ thể bao gồm: Các kế hoạch của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh thế giới đã thay đổi; hoạt động đầu tư về hạ tầng phải chú ý đến vấn đề thông minh; hoạt động sản xuất, kinh doanh phải chuyển đổi số hóa ngay ở mọi công đoạn để có được lợi thế kinh doanh trên thị trường. Trong cuộc CMCN 4.0 cần nhất sự chủ động và sáng tạo, tức là các cá nhân, đơn vị cần nhận diện đúng, đủ về cuộc cách mạng này, đồng thời sáng tạo trong cách tiếp cận, phù hợp với nguồn lực của quốc gia và doanh nghiệp. Việc xây dựng chiến lược trong thời điểm hiện nay là một việc khó nhưng nếu không xây dựng chiến lược khó có thể hiểu đúng, đi đúng trong CMCN 4.0.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, để có thể tận dụng thành công cơ hội của cuộc CMCN 4.0, cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Nhà nước cần chủ động hơn trong việc phối hợp các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp 4.0 thông qua việc hỗ trợ lãi suất. Mặt khác, các doanh nghiệp cần chia sẻ nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực KH&CN, đổi mới sáng tạo quốc gia. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân và xã hội cần có nhận thức đầy đủ về cuộc CMCN 4.0 và các tác động của nó tại những lĩnh vực khác nhau sẽ tạo ra những cơ hội khác nhau. Các đơn vị cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi sản phẩm, đặt mình trong bối cảnh của thị trường khu vực và thế giới để chủ động hơn trong đổi mới sáng tạo, trong phát triển và ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, từ đó cung cấp được các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35630702-xay-dung-chien-luoc-tiep-can-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Tin liên quan

Chat với Chúng Tôi