Tin tức

Sở hữu trí tuệ: Không tỉnh táo sẽ rơi vào “mê hồn trận” kiện cáo

Bộ trưởng Nguyễn Quân cảnh báo, khi Việt Nam hội nhập sâu, các doanh nghiệp dễ rơi vào "mê hồn trận" của việc kiện cáo; các doanh nghiệp nước ngoài sẽ kiện chúng ta về hàng giả, hàng nhái, hàng gây nhầm lẫn…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chia sẻ: Việt Nam hiện nay chưa thật sự quan tâm đến vấn đề Sở hữu Trí tuệ (SHTT). Ví dụ, mấy năm qua, các cơ quan Chính phủ đã phải dùng phần mềm có bản quyền trong các cơ quan nhà nước, mỗi một năm chúng ta phải chi trả một khoản ngân sách lớn để mua bản quyền. Con số này là rất lớn đối với Việt Nam.

Trong khi hầu hết các tổ chức cá nhân khác vẫn sử dụng phần mềm không có bản quyền. Sắp tới, khi Việt Nam tham gia vào EVFTA, TPP chắc chắn phải tuân thủ luật SHTT một cách tốt hơn. Chi phí để mua sử dụng bản quyền phần mềm và quyền sở hữu tài sản trí tuệ cũng sẽ lớn hơn.



TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Không tỉnh táo sẽ rơi vào “mê hồn trận” kiện cáo

Trong vài tháng trở lại đây, các cơ quan liên ngành đã rất mạnh tay trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý những doanh nghiệp vi phạm SHTT, Bộ trưởng có thể cho biết tầm quan trọng cấp bách của việc này?

Đúng là thời gian qua các cơ quan liên ngành đã ra quân và xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp vi phạm về SHTT. Vấn đề này lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu nhưng rồi cứ nấn ná để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong thời kì “quá độ”. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng ta không thể trì hoãn hơn được nữa.

Quyền của chủ sở hữu đối với các sản phẩm SHTT ngoài vấn đề bản quyền thì trong Luật Sở hữu trí tuệ còn có nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý…Trong nông nghiệp, có giống cây trồng, giống vật nuôi. Trong CNTT, ngoài vấn đề bản quyền thì còn có tín hiệu vệ tinh, dữ liệu số…

Hiện nay, nhận thức của xã hội và doanh nghiệp đối với vấn đề này còn rất nhiều bất cập. Nếu chúng ta không làm mạnh mẽ thì sẽ rất khó khăn khi tham gia vào sân chơi TPP và EVFTA.

Chẳng hạn như nước mắm Phú Quốc. Đây là mặt hàng thương hiệu có danh tiếng, gắn liền với địa danh, làng nghề lâu năm của Việt Nam nhưng một doanh nghiệp của nước ngoài đăng ký nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc ở châu Âu. Nếu nước mắm Phú Quốc thật của chúng ta xuất khẩu sang Indonesia thì không được phép tiêu thụ vì người ta cho rằng mình vi phạm bản quyền. Còn nếu muốn tiêu thụ được thì mình lại phải mất chi phí để xin phép chủ đăng ký bản quyền.

Bây giờ chưa chính thức tham gia FTA, TPP đã gặp phải những thách thức như vậy, nếu chúng ta hội nhập sâu hơn mà tiếp tục thế này thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi các doanh nghiệp của chúng ta sẽ rơi vào mê hồn trận của việc kiện cáo, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ kiện chúng ta về hàng giả, hàng nhái, hàng gây nhầm lẫn…

Trong khi hệ thống tòa án của chúng ta chưa đủ năng lực để thu lý và xét xử về SHTT, chưa có thẩm phán chuyên ngành về SHTT. Còn một khi ra Tòa án quốc tế thì chúng ra rất khó có cơ hội để thắng họ.



Rất nhiều doanh nghiệp bị xử lý liên quan đến vi phạm SHTT trong những tháng qua

Xuất khẩu nhiều mà nông dân lại nghèo đi!

Thưa Bộ trưởng, chúng ta nói nhiều về đổi mới công nghệ nhưng có một thực tế đang diễn, ra đó là thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước đang đối mặt với những sự cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ bị thao túng bởi các công ty nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam mà giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn trong khu vực từ 15-20%?

Tại thời điểm hiện nay, phần lớn các sản phẩm thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam là của nước ngoài. Nếu chúng ta gia nhập TPP thì các hãng này sẽ giữ độc quyền và rất khó để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp bởi đầu vào quá lớn.

Chúng ta mua thức ăn cho cá, lợn… đều là nhập khẩu toàn bộ và giá thì do họ quyết định nên rất cao. Cuối cùng, sản phẩm bán ra chênh lệnh với đầu vào còn không đáng kể, nghĩa là công sức, mồ hôi nước mắt của người dân bỏ ra được chi trả rất thấp. Chính vì thế, sự bất công đối với người nông dân càng lớn.

Có một nghịch lý, chúng ta càng xuất khẩu nhiều thì nông dân lại càng nghèo đi bởi giá trị gia tăng rất ít.

Bây giờ chúng ta phải nghĩ làm sao đầu vào trong nông nghiệp giảm, đầu ra tăng hoặc ít nhất cũng được ổn định so với đầu vào để tăng giá trị gia tăng cho người dân. Muốn thế thì tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp chúng ta phải làm chủ được. Trong nông nghiệp, yếu tố quan trọng đầu tiên là giống, sau đó là quy trình canh tác, nuôi trồng, sau nữa là bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Vấn đề nông hóa phẩm trong nông nghiệp hiện nay rất quan trọng. Trong đàm phán TPP, chúng ta yêu cầu Mỹ và các nước khác cho Việt Nam một thời gian “quá độ” để tuân thủ những yêu cầu rất cao của TPP. Việt Nam đặt ra ngưỡng: khi nào GDP của chúng ta đạt ở mức thu nhập cao tương tự các nước phát triển (12.000USD/người) thì mới tuân thủ hoàn toàn TPP.

Tuy nhiên, các nước thành viên đều chưa chấp nhận, bởi với tốc độ tăng trưởng của chúng ta hiện nay là 7%/năm thì để đạt được điều này phải mất trên 25 năm. Các nước đang ép thời gian quá độ của chúng ta xuống chỉ còn khoảng 10 -15 năm, và khả năng việc đàm phán của Việt Nam cũng sẽ dừng ở con số này.

Chuẩn bị không tốt, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ

Với những gì Bộ trưởng chia sẻ thì rõ ràng chúng ta đang phải đối mặt rất nhiều thách thức. Nếu chúng ta làm không tốt thì rất có thể Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước?



Ngành dược phẩm đang đối mặt với nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia vào TPP
 

Đúng như vậy. Nếu chúng ta không đấu tranh được, không chuẩn bị tốt thì khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ cho các công ty nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam không thể phát triển được bởi tiềm lực yếu, do vốn thì không lớn, trình độ thì chưa cao, khoa học và công nghệ không phát triển.

Tôi lấy ví dụ về dược phẩm chẳng hạn. Khi chúng ta tham gia vào TPP thì việc cung cấp thuốc cho các bệnh viện hiện nay sẽ đấu thầu mua sắm công. Nghĩa là, khi các bệnh viện mua thuốc thì phải mở đấu thầu công khai, minh bạch, các hãng thuốc trên thế giới đều có quyền tham gia một cách bình đẳng. Lúc đó, dược phẩm trong nước cũng sẽ rất khó để cạnh tranh.

Hiện nay, Việt Nam đang cố gắng đàm phán để chỉ cho 50% cho đấu thầu quốc tế và 50% còn lại là đấu thầu nội địa để dược phẩm Việt Nam có thể có thị trường. Thuốc của ta về mẫu mã, chất lượng chưa phải là tốt nhất nhưng hợp với túi tiền của người dân, nếu để cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu thì sẽ độc quyền, gây khó khăn cho người dân, các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước sẽ khó có cơ hội tồn tại.



Tin liên quan

Chat với Chúng Tôi