Thị phần sản phẩm gạch không nung thấp ở Việt Nam có thể do một số rào cản sau:
1. Các rào cản về thị trường:
Mặc dù gạch không nung (GKN) có mặt trên thị trường hơn 30 năm, nhưng nó chỉ chiếm có 10% thị phần gạch xây dựng của Việt Nam. Vấn đề này có thể là do các yếu tố thị trường dưới đây:
- Người Tiêu dùng gạch chủ yếu thiếu niềm tin vào GKN do chất lượng biến đổi và thiếu độ tin cậy của sản phẩm. Đây được xem như là rào cản chính đối với tăng trưởng thị trường GKN;
- Chi phí sản xuất gạch AAC cao khiến cho sản phẩm không thể cạnh tranh với gạch đất sét nung và các loại GKN khác;
- Việc không chịu thay đổi của các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công đã quen với việc sử dụng đất sét như là nguyên liệu để sản xuất gạch hàng thế kỷ.
2. Các rào cản về chính sách:
Mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 nhằm thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng và ban hành các quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 và 2010 nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng xanh và giảm thiểu các tác động môi trường trong việc sản xuất gạch đất sét nung, nhưng ngành xây dựng và người tiêu dùng vật liệu xây dựng vẫn chậm chạp trong ứng dụng các công nghệ gạch không nung. Vấn đề này có thể là do:
- Không có chiến lược rõ ràng về xóa bỏ các lò gạch đất sét nung thủ công và lò liên tục kiểu đứng (VSBK);
- Thiếu các tiêu chuẩn về công nghệ GKN. Điều này dẫn đến việc nhập khẩu những công nghệ rẻ nhất, chủ yếu từ Trung Quốc mà hầu như không có hoặc có rất ít hỗ trợ về kỹ thuật;
- Các tiêu chuẩn về chất lượng GKN và quy định trách nhiệm đảm bảo chất lượng còn thiếu;
- Các quy chuẩn về các cách sử dụng GKN trong các loại công trình xây còn thiếu. Cụ thể, thiếu các tiêu chuẩn xây dựng bằng GKN để xác định ở đầu và khi nào GKN được sử dụng cho các tòa nhà, tường rào và vỉa hè; sức chịu tải cho phép của GKN; loại và số lượng vữa sử dụng và quy trình xây dựng sử dụng các vật liệu GKN;
- Thiếu kinh phí và khung chế tài nhằm đảm bảo việc thực thi ở các địa phương. Mặc dù đã ban hành một số chính sách về GKN, các cơ quan chính quyền địa phương không nhận thức đầy đủ về những chính sách đó và không có năng lực hay nguồn lực để thúc đẩy nó;
- Việc thực hiện thông tin, truyền thông về GKN còn chưa có hệ thống nhằm tạo nhu cầu và cung ứng về GKN.
3. Các rào cản về thể chế:
Ở Việt Nam, các cơ quan chính quyền địa phương và Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách của trung ương. Tuy nhiên, năng lực của nhiều sở ban ngành và chính quyền địa phương tham gia vào thúc đẩy GKN (bao gồm Sở KH&CN, Sở Xây dựng và Sở Công thương) nói chùng là yếu; họ thiếu nguồn lực, năng lực và kiến thức cần thiết để triển khai chương trình phát triển GKN ở địa phương. Năng lực ở cấp địa phương trong việc triển khai các chính sách từ trung ương cần phải được tăng cường nhằm bảo đảm mức độ giám sát và thực thi phù hợp đối với các hoạt động thúc đẩy và phát triển gạch không nung.
4. Các rào cản về kiến thức và nhận thức:
Trong 30 năm qua, GKN nói chung chỉ đáp ứng một phần nhỏ thị trường các sản phẩm xây dựng, vì vậy nên nhận thức về các ưu điểm và các lợi ích về môi trường của loại sản phẩm này còn thấp ở Việt Nam:
- Đối với các kỹ sư, kiến trúc sư và các chủ đầu tư xây dựng, họ có ít hiểu biết về các loại sản phẩm GKN mà nếu sử dụng có thể giúp cho chủ đầu tư xây dựng có được một sản phẩm xây dựng được cải thiện về cách nhiệt, thẩm mỹ và thiết kế móng giảm chi phí (dựa trên việc sử dụng các loại GKN với trọng lượng khác nhau). Hiện hầu hết các nhà xây dựng đều thích dùng gạch nung.
- Đối với thợ xây dựng, họ có rất ít hoặc không biết cách làm tốt nhất trong thi công các tòa nhà sử dụng GKN. Ví dụ như họ không biết sử dụng một số loại vữa nhất định, cũng như sửa chữa cần thiết khi sử dụng GKN
- Thiếu kiến thức kỹ thuật về lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy sản xuất GKN.
- Thiếu kiến thức chuyên môn về cách sản xuất thiết bị GKN để đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam.
- Đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch tiềm năng và các đơn vị tài chính, có rất ít ví dụ về các cơ sở sản xuất GKN quản lý tốt và sinh lời, cũng như thiếu thông tin về các lợi ích về kỹ thuật, kinh tế và môi trường của các hoạt động đầu tư vào GKN. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp cung ứng gạch không nung nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam không được triển khai bài bản, do vậy hiệu quả vận hành sản xuất của các nhà máy kém và không sinh lời.
5. Các rào cản kỹ thuật:
Sản xuất GKN ở Việt Nam bị hạn chế bởi một số vấn đề liên quan đến chất lượng kỹ thuật của các cơ sở sản xuất hiện tại và thiếu sự phát triển của một ngành công nghiệp GKN:
- Các nhà đầu tư trong nước với nguồn tài chính hạn hẹp chủ yếu nhập khẩu các công nghệ GKN rẻ, chất lượng thấp và hay hỏng hóc làm ngưng trệ sản xuất và tăng chi phí sản xuất GKN. Việc vận hành sản xuất càng khó khăn hơn khi thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nhà cung cấp thiết bị.
- Kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào chưa thỏa đáng. Đối với một số cơ sở sản xuất GKN, vôi được tôi quá nhanh hoặc quá chậm; một số cơ sở khác lại sử dụng vôi với hàm lượng chưa được nung thành vôi quá cao dẫn đến các phản ứng vôi tôi (Ca(OH)2) không hoàn thiện. Ngoài ra, chất lượng cát sử dụng còn kém với hàm lượng hạt thô và đất cao. Kết quả là một số cơ sở sản xuất không có khả năng sản xuất các sản phẩm gạch không nung với chất lượng cao.
- Các thiết bị khuôn đúc rẻ làm hạn chế việc kiểm soát giảm thiểu sai lệch kích thước của gạch block (từ ± 4 đến ± 6mm, sai lệch >3mm). Điều này làm cho bề mặt một số viên không phẳng và nhẵn, bị nứt ở cạnh, góc và tỷ lệ sản phẩm nối cao.
6. Rào cản về tài chính:
Đối với một số ít cơ sở sản xuất GKN có lãi ở Việt Nam, rào cản đối với họ là huy động đủ tài chính để đạt được các mục tiêu gia tăng sản xuất GKN của Chính phủ:
- Các ngân hàng và tổ chức tài chính không muốn cho vay các dự án đầu tư GKN trừ kho họ biết rõ hơn về công nghệ GKN, những rủi ro và tỷ lệ hoàn vốn và có được báo cáo của cơ sở sản xuất GKN đạt hiệu suất cao và quản lý tốt;
- Việc thẩm định của ngân hàng chặt chẽ hơn đối với các dự án vay mới do tỷ lệ nợ xấu cao, mặc dù thực tế các ngân hàng có đủ ngân quỹ để vay;
- Các nhà đầu tư tiềm năng thiếu kinh nghiệm về công nghệ GKN và hiện là các cơ sở sản xuất gạch nằm trong danh sách khách hàng đi vay có rủi ro cao;
- Nhiều nhà đầu tư tiềm năng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công hoặc lò liên tục kiểu đứng không thể có đủ thế chấp đối với các khoản vay cho sản xuất GKN. Hơn nữa các doanh nghiệp này hạn chế về khả năng chuẩn bị hồ sơ vay vốn ngân hàng;
- Các nhà đầu tư tiềm năng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu hiểu biết và khả năng xin cấp vốn đối với các nguồn tài chính ưu đãi như quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF);
- Các thủ tục và xét duyệt của các nguồn tài chính ưu đãi mất thời gian;
- Các nguồn tài chính ưu đãi rất hạn chế.
(Theo Vatlieukhongnung.vn)