Tin tức

Từ nông dân thành chủ doanh nghiệp khoa học công nghệ

Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Vĩnh Hòa là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh giống lúa có chất lượng cao ở Miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Công ty TNHH KH&CN Vĩnh Hòa đã khảo nghiệm và đưa vào sản xuất thành công giống lúa AC5. Đây là giống lúa có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt phẩm cấp gạo thơm ngon, vị đậm. Cũng từ giống lúa này Công ty đã chế biến gạo mang thương hiệu “Gạo Xứ Nghệ” bước đầu được thị trường chấp nhận và chào đón. Ngoài giống lúa AC5, Công ty còn phối hợp với các cơ quan khoa học và bà con nông dân khảo nghiệm một số giống lúa thuần chất lượng cao mới như HT9, TL6. Việc khảo nghiệm giống lúa Thảo dược Vĩnh Hòa 1 (giống lúa tím) bước đầu đã có kết quả khả quan. Giống lúa tím Thảo dược Vĩnh Hòa 1 đã được bà con Đồng bằng Sông Cửu Long nhân rộng và các bạn Lào nhập khẩu triển khai thử nghiệm trên diện tích hơn 100 ha, năm 2014 mở rộng đến 1.000 ha.
 

Tiếp chúng tôi tại trụ sở của Công ty TNHH KH&CN Vĩnh Hòa (Yên Thành, Nghệ An) là một người đàn ông gần sáu mươi tuổi, hơi gầy, đôn hậu và chân tình. Đó là Giám đốc Phan Văn Hòa, người cựu chiến binh, nhà nông, nhà khoa học, doanh nhân. Thú thực, chúng tôi không biết gọi ông bằng “nhà” gì cho thỏa đáng. Một người nông dân, không chấp nhận số phận và luôn đầy ắp ý tưởng. Ông mở đầu câu chuyện của mình bằng chất giọng xứ Nghệ:

Tôi sinh ngày 05/05/1957, tuổi con gà, có lẽ vì cái tuổi mà mọi thất bại và thành công có được ngày hôm nay luôn liên quan tới hạt thóc. Tôi được sinh ra và lớn lên ở xóm Đông Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành – nơi vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu về thăm năm 1961. Năm 1974 tôi nhập ngũ được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và nghĩa vụ Quốc tế hoạt động bí mật quân sự 02 năm tại đất nước Campuchia, xuất ngũ năm 1984 với cấp hàm Thượng uý, bệnh binh 2/3. Ông cho biết: "Tôi được kết nạp vào hội nông dân Việt Nam từ những năm 1986. Hiện tôi là Giám đốc Công ty TNHH KH&CN Vĩnh Hoà, chuyên nghiên cứu và sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao và chế biến gạo an toàn, mang thương hiệu “Gạo Xứ Nghệ”. Đặc biệt chúng tôi có giống lúa thảo dược màu tím với thương hiệu Vĩnh Hòa, đang được thử nghiệm trong nước và nước ngoài".



Trăn trở của người cựu chiến binh xứ Nghệ

Sinh ra trên quê lúa Yên Thành, nhưng tuổi thơ của người nông dân Phan Văn Hòa cũng như những người cùng quê chưa từng có một bữa cơm no, đời sống bà con vẫn cơ cực quanh năm nhất là những ngày giáp hạt. Sau những ngày tháng trong quân ngũ, khi những đồng đội khác mơ ước được chuyển ngành, được tiếp tục học hành, Phan Văn Hòa luôn cháy bỏng ước mơ tăng được năng suất cây lúa quê mình. Đứng ngay trên đồng ruộng quê hương, nhiều lần ông đã tự hỏi: Đất nước của ba Miền cày ruộng, sao vẫn không có được giống lúa thuần, năng suất chất lượng cao. Năm 2001 ông đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoà chuyên nghiên cứu, sản xuất giống lúa, kinh doanh sản xuất lúa sạch và chế biến gạo an toàn.

Thành lập doanh nghiệp KH&CN - Liên kết với các nhà khoa học

Nhờ nỗ lực đầu tư về KH&CN, trang thiết bị kỹ thuật, từng bước áp dụng các tiến bộ KH&CN như áp dụng mô hình sản xuất và chế biến gạo theo mô hình VietGap, chuyển giao qui trình công nghệ sản xuất phân vi sinh, mua bản quyền giống lúa để kinh doanh,... ngày 23/01/2013 Công ty đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Công ty TNHH KH&CN Vĩnh Hòa đang hướng tới mục tiêu đem sản phẩm giống lúa thuần chất lượng cao và gạo sạch mang thương hiệu “Gạo Xứ Nghệ” quảng bá tới thị trường trong nước và khu vực.

Tuy nhiên, để có được Công ty như ngày hôm nay, bản thân ông và gia đình đã phải trải qua nhiều gian khó, thậm chí căn nhà của hai vợ chồng cũng đã bị phát mại. Từ khi xuất ngũ về, ông đã nhận thuê khoán một số diện tích đất hoang hoá, nhiễm mặn: Từ 5 hécta, rồi 7 hécta cho đến nay ruộng đất của ông đã có 11 hécta đất thuê lâu dài để sản xuất giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng. Do làm ăn thủ công, vẫn là cái cày, con trâu nên lúa cấy không kịp thời vụ, vì vậy là lỗ vốn. Từ năm 1993, ông đã lặn lội sang nước láng giềng để mua máy cày, cầu mong cơ giới hoá đồng ruộng của mình. Lãi trong sản xuất bắt đầu khi có máy. Ông đã thành công bước đầu, lúa kịp thời vụ, được mùa. Tuy nhiên, vẫn chỉ là giống lúa lai, mua giống vừa đắt vừa không chủ động.

Với ý tưởng, chỉ có công nghệ mới có thể cải thiện được tình thế, ông đã lặn lội lên Hà Nội tìm gặp bằng được Cố Giáo sư, viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng. Cảm phục niềm tin vào cây lúa và tấm lòng ngay thẳng của anh bộ đội Cụ Hồ, sự cần mẫn của anh nông dân chính hiệu, vị giáo sư - viện sỹ đã đã nhận lời giúp đỡ và hết lòng cổ vũ ông làm giống lúa thuần, chất lượng cao.

Công ty cũng liên hệ với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch để được chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất phân vi sinh. Tiếp đó, các dây chuyền sản xuất mạ thảm trên khay kiểu công nghiệp, dây chuyền đánh bóng gạo, dây chuyền máy sấy tách ẩm của tổ chức phi chính phủ Mỹ, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng và kho cất trữ lúa có diện tích 3.500 m2, đủ để bảo quản 4.000 tấn lúa. Ðến nay, công ty đã có 16 cán bộ được đào tạo tại Viện Cây lương thực, đạt tiêu chuẩn chương trình chiến lược phát triển lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Liên kết với hàng ngàn hộ nông dân ở các tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Thành phố Quy Nhơn, để khảo nghiệm và sản xuất lúa AC5 - chất lượng cao. Cũng xin nói thêm rằng, trước khi quyết định sản xuất lúa AC5, ông đã mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng để khảo nghiệm 212 bộ giống lúa mới. Cuối cùng, AC5 là giống lúa thích hợp nhất có giá trị dinh dương cao, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cây trồng cho bà con nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Chính vì vậy, tháng 9/2008, Công ty TNHH Vĩnh Hoà chính thức mua bản quyền sở hữu giống lúa AC5 tác giả của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng số 140. Để AC5 phát triển mạnh như hiện nay, công ty ông Hòa đã trải qua muôn vàn gian khó. Từ chỗ chưa ai chấp nhận, nhờ xây dựng mô hình và quảng bá đã có 120 mô hình khảo nghiệm và 120 cuộc hội thảo đầu bờ thành công hơn cả mong đợi. Giống lúa AC5 từ khảo nghiệm đến thực tế đã được chính bà con chứng minh là giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Và điều mà bà con phấn khởi hơn là luá AC5 làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu với giá cao hơn hẳn các giống lúa khác từ 1.500đ/kg đến 2.000đ/kg.

Có được giống lúa tốt đạt được năng suất cao, nhưng ông Giám đốc - nông dân Phan Văn Hòa vẫn không thôi trăn trở, là làm sao để có được gạo sạch, gạo an toàn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường làm sao để người nông dân không phải lo đầu ra của sản phẩm. Một mặt, chủ trương mở rộng địa bàn, mở rộng diện tích gieo cấy AC5, mặt khác phải tìm hiểu thị trường để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Chỉ có gạo sạch, gạo an toàn là con đường để AC5 từ Yên Thành “vươn ra biển lớn”. Mà có được lúa sạch, chất lượng cao thì trước hết là phải giảm lượng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là tăng cường phân vi sinh. Tôi đã liên hệ với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch để được chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất phân vi sinh. Rồi các dây chuyền sản xuất mạ thảm trên khay kiểu công nghiệp, dây chuyền đánh bóng gạo, dây chuyền máy sấy tách ẩm của tổ chức phi chính phủ mỹ với tổng kinh phí 15 tỷ đồng và đã đầu tư 3.500m2 kho cất trữ lúa đủ để bảo quản 3.500 tấn lúa có sự tham gia đầu tư công nghệ của Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch và đối tác nước ngoài sang lắp ráp trang bị hệ thống công nghệ phòng chống cháy ở cấp độ 3 để bảo quản kho giống.

Khi đã có các điều kiện cần và đủ, Công ty bắt tay ngay vào việc thực hiện quy trình xản xuất khép kín: Công ty cung cấp giống lúa, phân bón, quy trình kỹ thuật phối hợp với các cơ quan quản lý giám sát chỉ đạo sản xuất, cuối vụ bao tiêu thu mua sản phẩm. Trước khi sản xuất gạo hàng hóa, nhiều lần ông phải mang gạo đi Hà Nội để kiểm tra dư lượng chì, dư lượng thuốc trừ sâu và các tiêu chuẩn theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam. Tiếp nhận yêu cầu kiểm định từ một nông dân xứ Nghệ, có cán bộ đã phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông đã thành công, khi mà dư lượng chì và thuốc trừ sâu trong sản phẩm gạo AC5 không phát hiện thấy và thấp hơn rất nhiều lần so với cho phép. Năm 2006, Công ty bắt đầu bán thăm dò gạo AC5 mang thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”. Đến nay, mỗi năm công ty đã xuất bán trên 2.000 tấn gạo AC5 ra thị trường mang thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”. Kế hoạch vụ xuân 2012 công ty sẽ thu mua bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm AC5 chất lượng cao với số lượng 3.000 tấn cho bà con nông dân với giá 7.500đ/kg.

Giống AC5 đã góp phần xoá đói, giảm nghèo, góp phần làm nên sự no đủ của rất nhiều hộ nông dân ở các tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và TP Quy Nhơn. Bởi, giá trị của giống lúa AC5 cao hơn hẳn các giống lúa khác. Cứ một ha lúa AC5 sẽ có giá trị cao hơn lúa lai, lúa khang dân 15 đến 20 triệu đồng. Và hơn thế nữa là tập quán canh tác lạc hậu đã được đẩy lùi, bà con nông dân đã được tiếp thu nhiều kiến thức mới, dám ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, từ chỗ lao động sản xuất, phơi phong, cất làm lương thực dự trữ theo tập quán truyền thống cũ, nay người dân đã biết và dám sản xuất, sơ chế lúa hàng hoá chất lượng cao. Đó là minh chứng bà con đã thoát nghèo một cách bền vững, đang từng bước vươn lên làm giàu ngay trên ruộng đồng của mình.

Giống lúa thảo dược màu tím Vĩnh Hòa: từ ý tưởng đến hiện thực



Giống lúa VH1 vụ xuân 2014 tại xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Sau khi giống lúa thuần chủng AC5 được bà con trong tỉnh Nghệ An và một số tỉnh lân cận phát triển, ông Hòa lại nghĩ tới một giống lúa đặc biệt hơn. Từ năm 2005, ông một mình âm thầm, hết phòng kín đến chân ruộng, hết bổ sung dinh dưỡng cho cây đến lai các giống với nhau, qua bao nhiêu thất bại cuối cùng có hai bông lúa màu tím ra đời. Một bông được 176 hạt và một bông được 134 hạt. Từ hai bông lúa tím, ông đã gieo được chừng 2m2 mạ. Những cây mạ đầu tiên ra đồng thì gặp lũ. Cấy xuống rồi lại phải bứng lúa lên, chờ lũ rút mới cấy lại. Thế mà năng suất vẫn vượt xa AC5, đạt tới 370 kg/sào Bắc bộ.

Ông cho biết giống lúa này chuyển màu theo từng giai đoạn phát triển. Gieo mạ thì có màu tím biếc, khi lúa phát triển chuyển sang màu xanh đậm, khi trổ bông lại đổi màu tím Huế.

Vụ mùa năm 2008, lúa thảo dược được bà con thu hoạch với năng suất 385kg/sào. Ông Hòa mua với giá gấp đôi lúa thường nên ai cũng phấn khởi. Đâu đâu người ta cũng bàn về giống lúa thảo dược. Cũng từ năm này, ông lấy tên Vĩnh Hòa, tên công ty, đặt cho giống lúa mới – giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 Để theo đuổi giống lúa thảo dược màu tím Vĩnh Hoà 1, nhiều năm qua, ông Hòa trồng trên ruộng của gia đình, sau đó thuyết phục các gia đình cựu chiến binh cũng như nhân dân nhiều địa phương trồng. Từ chỗ chỉ hai bông lúa, đến nay, diện tích trên địa bàn tỉnh có hơn 100 hécta, còn hơn 400 hécta khác công ty của ông hợp đồng với các tỉnh khác để trồng khảo nghiệm, đánh giá đúng năng suất, chất lượng. Chưa dừng lại, các bộ giống lúa thảo dược mới lần lượt ra đời: Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3, Vĩnh Hòa 4. Tất cả đều đã được bảo hộ bởi Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thôn. Hội thảo đầu bờ do doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức mới đây cho thấy, giống lúa VH1 đạt năng suất 70 tạ/ha.
Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân lãi được hơn 1,5 triệu đồng/sào (tương đương gần 40 triệu đồng/ha), cao hơn so với sản xuất giống lúa thường theo đại trà. Ngoài ra, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa thu mua toàn bộ rơm rạ với giá 800 nghìn đồng/sào.

Theo các nhà khoa học, đây là giống lúa quý hiếm ở Việt Nam cho sản phẩm gạo có đặc tính thảo dược. Gạo trồng từ giống lúa này giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vi-ta-min A, B (B1, B2, B6), li-pit, chất xơ, chất Omega chống ung thư, chống loãng xương, khi ăn rất có lợi cho người thừa cân hay béo phì. Ðặc điểm chính của giống lúa này là, thân cây và hạt lúa mầu tím, trồng được hai vụ trong năm là vụ đông xuân và hè thu; năng suất đạt từ 5,5 tấn/ha đến 10 tấn/ha; thích hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở nhiều địa phương trong nước. Giống lúa VH1 đã được Tổ chức Quốc tế về bảo vệ các giống cây trồng mới (UPOV) đồng ý bảo hộ. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, cây trồng, phân bón quốc gia đã công nhận là giống lúa siêu nguyên chủng, quý hiếm, chất lượng cao. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Quates1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đã kiểm nghiệm và kết luận gạo thảo dược Vĩnh Hòa có thêm 2 chất quý là Omega 9 và Omega 6 có tác dụng tốt cho sức khỏe con người, nhất là làm giảm nguy cơ và kháng bệnh ung thư, giảm lượng choleseterol, phòng ngừa bệnh tim mạch; điều chỉnh hàm lượng glucose trong máu cho người đái tháo đường... nên nhu cầu tiêu thụ hiện nay rất lớn. Theo đại diện của Tổng Đại Lý Gạo Thảo dược Vĩnh Hòa tại Thành phố Hồ Chí Minh, gạo tím thảo dược được bán với giá 35.000đ/kg (giao tại nhà 40.000đ/kg). Chỉ riêng các đại lý phía Nam mỗi tháng cần từ 10 - 13 tấn. Riêng nhà hàng gạo của ca sỹ Linh Nga tiêu thụ mỗi tháng bình quân 5 tấn gạo VH1. Các địa phương khác như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng cũng tiêu thụ từ 3 - 5 tấn/tháng.

Do cước vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh quá cao nên ông Hòa đã liên kết với ông Trần Thanh Phương, chủ cơ sở sản xuất và thương mại lúa Hạt ngọc An Giang tại TP Long Xuyên để tiến hành quy trình từ sản xuất đến chế biến gạo thảo dược VH1 nhằm cung ứng trực tiếp cho thị trường miền Nam. Phản hồi từ các địa phương rất tích cực, những năm qua, mặc dù chưa chính thức được công nhận là một giống mới nhưng trên diện tích gần 500 hécta trồng thử nghiệm, sản phẩm gạo tím của ông Hòa đã có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Ông Hòa mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức giống lúa VH1. Ông khẳng định: “Khi giống lúa VH1 của chúng tôi được thì việc mở rộng diện tích trên cả 2 vụ lúa đông xuân và hè thu tại Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành hiện thực, VH1 sẽ là giống lúa bán được giá cao nhất cho người trồng lúa nước ở Nam bộ".

Vươn ra biển lớn


Cán bộ nông nghiệp huyện Muan Không trên cánh đồng lúa thảo dược VH1 tại Lào.

Không dấu được niềm vui, ông Hòa cho biết giống lúa Vĩnh Hòa đã được các bạn Lào triển khai trồng đại trà tại huyện Muang Khong, tỉnh Champasak cho năng suất và giá trị gia tăng cao, được bà con bên đó yêu thích.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình tìm bạn hàng xuất khẩu ông Phan Văn Hòa cho biết: Đầu năm 2013, ông Quách Phi Long, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Bảo Ngọc - Bình Phước, đang tìm đất ở Lào để đầu tư về nông nghiệp. Thông qua Công ty LOKO của Lào, huyện Muang Khong đã dành cho ông Long 10.000 ha đất, và ông Long đã dành ngay 100 ha ở bản Muang Sen để bắt tay vào làm mô hình cho vụ đông xuân 2014. Khi được biết thông tin về giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa, ông Quách Phi Long đã đến Yên Thành, Nghệ An gặp ông Hòa với đề nghị được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất loại lúa thảo dược này tại Lào. Hai ý tưởng gặp nhau như một cơ duyên. Giống lúa này đã được triển khai trên 100ha vụ Đông - Xuân vừa qua.

Hội thảo về giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 do huyện Muang Khong (Lào) tổ chức vào sáng 23/5/2014 thu hút rất đông quan khách và nông dân đến tham dự. Chủ tịch huyện Muang Khong khẳng định: Giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 đã thật sự thành công. Vì vậy, năm 2015, huyện Muang Khong sẽ cho triển khai trồng 1.000 ha giống lúa này.

Tại Hội thảo ông Phan Văn Hòa - công bố sẽ mua cả rơm lẫn rạ: “Ở VN, chúng tôi đã mua cả rơm lẫn rạ đối với loại lúa này để sản xuất trà thảo dược. Mỗi hecta rơm rạ, nếu bà con sản xuất đúng quy trình thì sẽ được mua với giá 16 triệu đồng tiền VN. Như vậy, trồng lúa thảo dược thì nông dân sẽ bán được từ gốc đến ngọn”.

Chia tay ông Phan Văn Hòa, chúng tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực và trí tuệ cũng như cái tâm của một người nông dân Việt Nam và tin tưởng chúng ta có thể làm giàu từ chính mảnh đất của quê hương mình từ cây lúa.


Tin liên quan

Chat với Chúng Tôi