Tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình 712
Tham dự Hội nghị có ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế; đại diện Lãnh đạo một số địa phương như: Cần Thơ, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Quảng Nam và các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định, kể từ Thập niên chất lượng lần thứ nhất (1996-2005), Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và hội nhập quốc tế. Thập niên chất lượng lần thứ hai đã đạt được những kết quả vượt bậc, các doanh nghiệp đã dần khẳng định được chất lượng hàng hóa của Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để triển khai thực hiện mục tiêu của Thập niên chất lượng lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt Nam, phục vụ công cuộc đổi mới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, các dự án trong khuôn khổ Chương trình 712 cùng với tinh thần chủ đạo của Thập niên chất lượng đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Hơn 50 tỉnh/thành phố và một số bộ/ngành đã phê duyệt và triển khai các chương trình năng suất chất lượng, tạo ra những kết quả nổi bật gồm: nâng cao nhận thức của toàn xã hội về năng suất, chất lượng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng; hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, mô hình công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Xuân Dũng đánh giá cao những kết quả hoạt động của Thập niên chất lượng lần thứ hai và giai đoạn I Chương trình 712. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế như: mặc dù năng suất lao động đã được cải thiện đáng kể nhưng so với thế giới thì chúng ta còn khoảng cách khá xa; năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội chưa cao như mong đợi; chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn chưa đồng bộ, giá cả chưa cạnh tranh. Từ những hạn chế nêu trên, Ông Phan Xuân Dũng đề nghị trong thời gian tới cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế thông qua việc: 1) Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức hơn nữa của các doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung về vai trò, vị trí tầm quan trọng của năng suất, chất lượng; 2) Chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ nòng cốt về năng suất chất lượng tại các địa phương, doanh nghiệp; 3) Chương trình 712 cần có sự liên kết với các chương trình kinh tế khác của Chính phủ để phát huy sức mạnh tổng hợp của các chương trình nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Tin liên quan
- Hội thảo về Vai trò của các ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế quốc gia
- "Doanh nghiệp Việt đầu tư cho khoa học và công nghệ không đáng kể"
- Sở hữu trí tuệ: Không tỉnh táo sẽ rơi vào “mê hồn trận” kiện cáo
- Chủ tịch Khu Công nghệ Busan, Hàn Quốc thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- Hội nghị góp ý Dự thảo 6 của Thông tư sửa đổi Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
- Phát triển cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ quốc tế
- Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân mong muốn UNESCO sớm công nhận hai đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là Trung tâm loại 2
- KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi
- Đổi mới sáng tạo: Lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ mới
- Bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt