Hội thảo về Vai trò của các ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế quốc gia
Tới dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Trần Việt Thanh; ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Alan Marco, Trưởng Ban Kinh tế - Văn phòng Chính sách và Đối ngoại- USPTO; ông Asrat Tesfayesus, Chuyên gia kinh tế- Ban Kinh tế - Văn phòng Chính sách và Đối ngoại – USPTO cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ KH&CN.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của định giá tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị tài sản trí tuệ và xác định những đóng góp của các ngành thâm dụng SHTT đối với nền kinh tế quốc gia. Thúc đẩy hoạt động đổi mới, tăng cường khai thác quyền SHTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Việt Thanh nhận định, trải qua quá trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống SHTT Việt Nam đã đạt được các bước tiến đáng ghi nhận. Hệ thống pháp luật SHTT tương đối đầy đủ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống xác lập quyền SHTT có những nỗ lực vượt bậc nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của xã hội. Hệ thống thực thi tuy còn phải đối mặt với khó khăn cũng đã được vận hành ngày càng hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của cộng đồng. Có thể nói, các thách thức mang tính truyền thống trong lĩnh vực SHTT đã được Chính phủ Việt Nam xử lý đúng hướng, mang lại các lợi ích nhất định cho xã hội và nền kinh tế.
Ông Trần Việt Thanh cũng cho biết: Thực hiện định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 do Đảng và Nhà nước đề ra, lĩnh vực SHTT cần có một bước chuyển mình về chất, để hơn bao giờ hết, trở thành một công cụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT đầy đủ và thỏa đáng, đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu quyền, việc sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ đem lại các lợi nhuận kinh tế thiết thực đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành các nghiên cứu cần thiết, học tập kinh nghiệm của các nước có hệ thống SHTT phát triển, trên cơ sở đó sớm ban hành Chương trình SHTT quốc gia phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của bối cảnh kinh tế mới. Trong một loạt các nhiệm vụ hướng tới việc soạn thảo văn bản rất quan trọng này, việc phân tích đóng góp của các ngành công nghiệp thâm dụng SHTT đối với nền kinh tế quốc gia là một vấn đề được quan tâm hàng đầu, bởi nghiên cứu này sẽ giúp định hình lợi ích thực tế của SHTT đối với nền kinh tế.
Hội thảo đã được nghe các chuyên gia đưa ra rất nhiều kiến thức liên quan đến đánh giá và định giá đặc biệt là xem xét việc đóng góp của SHTT vào doanh thu của doanh nghiệp cũng như đóng góp chung vào GDP của đất nước. Những nội dung, kiến thức được đưa ra trong Hội thảo đặc biệt hữu ích đối với hoạt động SHTT của Việt Nam, đúng theo định hướng của Bộ KH&CN về SHTT trong thời gian sắp tới.
Các chuyên gia của Hoa Kỳ đã trình bày và cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến quyền SHTT trong ngành công nghiệp thâm dụng như: Định giá tài sản trí tuệ - phương pháp luận - kinh nghiệm và thực tiễn tại Hoa Kỳ; xây dựng chiến lược quản lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp; thâm dụng SHTT với nền kinh tế quốc gia - phương pháp luận; thâm dụng SHTT trong việc tạo việc làm, trong tổng thu nhập quốc dân, trong thương mại và chi phí nguồn nhân lực - lý luận và thực tiễn… Nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm và được các chuyên gia trao đổi với nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt là vấn đề sử dụng, khai thác và quản lý tài sản trí tuệ.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng: Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến khía cạnh hết sức quan trọng của SHTT, ngoài việc xác lập quyền và thực thi các quyền đó, hỗ trợ các doanh nghiệp có tài sản trí tuệ, đó là khía cạnh kinh tế tài sản trí tuệ, giá trị kinh tế của tài sản công nghiệp. Như chúng ta đã biết rằng, hiện nay có nhiều mô hình nghiên cứu để xem xét, đánh giá giá trị của SHTT. Tuy nhiên việc áp dụng các mô hình đó vào Việt Nam vào thời điểm hiện tại không phải là dễ dàng do đặc thù của hệ thống SHTT tại Việt Nam hiện nay. Đồng nghĩa với nó, đây chính là một khoảnh đất trống rất mầu mỡ dành cho những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung thời gian, công sức của mình để cùng với Bộ KH&CN tìm ra các mô hình phù hợp nhất về tác động của SHTT đối với nền kinh tế nói chung và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu trao đổi về vai trò và tầm quan trọng của SHTT đối với hoạt động kinh tế nói chung, nhất là các giải pháp thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu dựa trên quyền sở hữu trí tuệ; Tác động của SHTT đối với nền kinh tế với cách tiếp cận vĩ và vi mô; Các khái niệm lý thuyết về định giá tài sản trí tuệ, bao gồm sự phân biệt giữa các giá trị công và tư và các vấn đề chính sách liên quan khác, phương pháp kinh tế chủ yếu để định giá tài sản trí tuệ; Thảo luận về các loại sáng chế, trích dẫn bằng sáng chế và các cách thức khác để cung cấp thông tin giúp hưởng lợi từ SHTT.
Tin liên quan
- Tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình 712
- "Doanh nghiệp Việt đầu tư cho khoa học và công nghệ không đáng kể"
- Sở hữu trí tuệ: Không tỉnh táo sẽ rơi vào “mê hồn trận” kiện cáo
- Chủ tịch Khu Công nghệ Busan, Hàn Quốc thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- Hội nghị góp ý Dự thảo 6 của Thông tư sửa đổi Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
- Phát triển cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ quốc tế
- Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân mong muốn UNESCO sớm công nhận hai đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là Trung tâm loại 2
- KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi
- Đổi mới sáng tạo: Lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ mới
- Bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt